VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

THUA THIEN HUE INSTITUTE FOR DEVELOPMENT STUDIES

HUẾ – ĐIỂM ĐẾN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO KHU VỰC MIỀN TRUNG

HUẾ – ĐIỂM ĐẾN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO KHU VỰC MIỀN TRUNG

Th7 22, 2022

Sáng ngày 26/3/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp mùa xuân trong khuôn khổ “Ngày hội Cố đô khởi nghiệp năm 2022 – Techfest Hue 2022” với mục đích đánh giá kết quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Tham dự Diễn đàn, có Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban Tổ chức, Ông Cung Trọng Cường – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, còn có ông Đàm Quang Thắng – Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia; Ông Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; Bà Lê Hồng Minh – Thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam; cùng đại diện Lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh: Quãng Ngãi, Đà Nẵng, Quãng Nam, Quảng Trị, Nghệ An và đoàn công tác; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các Viện, trường đại học, cao đẳng, hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tham gia ngày hội.

Ngày hội Cố đô Khởi nghiệp – Techfest Hue 2022

Ngày hội Cố đô Khởi nghiệp – Techfest Hue 2022, do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Đại học Huế, Viện Nghiên cứu phát triển, Tỉnh đoàn, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức.

 Huế – Sáng tạo để phát triển bền vững

Được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng để giới trẻ tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp, sáng tạo, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn, kết nối đầu tư và tổ chức các hoạt động để nhiều dự án phát huy tối đa hiệu quả. Cố đô khởi nghiệp là thông điệp được Huế chọn lựa, truyền đi cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ, cộng đồng doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, hoạt động KNĐMST được xác định là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để tỉnh chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế, triển khai nhiều nhiệm vụ với những bước đi cụ thể, tinh thần cầu thị cao, tiếp thu ý kiến nhằm thúc đẩy hoạt động KNĐMST ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với tình hình chung và định hướng phát triển của tỉnh. Với những nỗ lực đó, Thừa Thiên Huế được vinh danh là một trong 03 địa phương trên toàn quốc được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  trao tặng danh hiệu  Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh vẫn nhiều tồn tại, hạn chế, đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và rất nhỏ, chưa tưng xứng với tiềm năng sẵn có,..

Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Diễn đàn khởi nghiệp mùa xuân

“Hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp không phải là một việc của riêng một cá nhân, một đơn vị, mà đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan, đó là các đơn vị làm Chính sách, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các đơn vị cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các chuyên gia cố vấn trong từng lĩnh vực, các đơn vị ươm tạo, các nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần có dự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chinh trị, ngoài sự hỗ trợ đồng hành của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức, tinh thần kết nối của các bên có liên quan là điều cốt lõi để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh và bền vững, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Thông qua sự kiện này, hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh sẽ phát huy và khơi dậy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, nâng cao tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo lập văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh liên kết, kết nối, triển lãm giới thiệu, quảng bá, các sản phẩm KHCN, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế đến cộng đồng; Kết nối, mời gọi các nhà đầu tư; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về khởi nghiệp trong nước và trên thế giới; Động viên, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thanh niên, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên, góp phần thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là nhằm thích ứng phát triển kinh tế xã hội trong tình hình bình thường mới; Đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của khu vực, liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tiếp cận với các nguồn lực chuyên gia, vốn và công nghệ trong và ngoài nước để giới thiệu và kết nối đến cộng đồng địa phương và ngược lại; Từng bước hình thành cộng đồng các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, cộng đồng các startup trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN trình bày tại Diễn đàn khởi nghiệp mùa xuân

Bên cạnh đó, sự kiện còn có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước, với mục tiêu trưng bày và giới thiệu các sản phẩm KH&CN, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP nổi bật của các viện, trường, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, các nhằm tạo lập môi trường gắn kết KH&CN với sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm tạo năng lực cạnh tranh trong hội nhập và phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác, giới thiệu, chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường của các tỉnh trong khu vực với các tỉnh, thành trong nước, kết nối các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh với với Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực miền Trung và cả nước.

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sẽ là “Bà đỡ” cho hoạt động khởi nghiệp tại Huế

 Trong những năm gần đây, vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu nhận được sự quan tâm của chính quyền Tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và bản thân doanh nghiệp và các bạn trẻ. Từ năm 2018, các hoạt động hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế bùng nổ với các sự kiện, hoạt động liên quan đến khởi nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực như sự kiện Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bên vững, Hue Pitchinh, “Kết nối ý tưởng” tìm bạn khởi nghiệp và các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, việc ra đời của Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế – Hue Innovation Hub và Trung tâm Khởi nghiệp và ĐMST – Đại học Huế…

Với vai trò là nơi ươm mầm và hỗ trợ các doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt có thể tồn tại và phát triển bền vững thành doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất ra những sản phẩm chủ lực cho Huế trong tương lai. Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Hue Innovation Hub sẽ xây dựng các chương trình ươm tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu bức thiết về khởi nghiệp, không chỉ hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp, mà Hue Innovation Hub sẽ hỗ trợ cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh cũng như xu thế phát triển của các vườn ươm doanh nghiệp trên thế giới hiện nay.

Mô hình dự kiến Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp ĐMST Tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày hội Cố đô Khởi nghiệp – Techfest Hue 2022, đã đánh đã đánh giá lại sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế. Những điểm sáng, điểm cần cải thiện, các chương trình hoạt động Tỉnh đã tổ chức và thông qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cùng Chính phủ thông qua các Nghị định, Quyết định, Đề án đã được ban hành để định hướng lại và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Thừa Thiên Huế.

Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như sự chủ động, linh hoạt của tỉnh trong các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST và đã đạt được những kết quả thiết thực. Cụ thể, trong khuôn khổ Đề án 844, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu và triển khai có hiệu quả Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao hoạt động khởi nghiệp tại Huế

Để tiếp tục phát huy tinh thần đó cũng như tạo động lực, nâng cao vai trò của ngành KH&CN trong thời gian tới, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động KNĐMST, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở KH&CN phối hợp Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN xây dựng đề xuất để Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hình thành Trung tâm khởi nghiệp Quốc gia tại Thừa Thiên Huế cũng như triển khai các giải pháp để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Có những thành công bước đầu nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn khá non trẻ, tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Dù Huế đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện, góp phần quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Tuy nhiên, để tạo nên một sức bật mới, mang tính bước ngoặt trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo, Huế cần phải có hướng đi mới, một tầm nhìn dài hạn hơn.

Việc triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình của Tỉnh ủy, trong đó việc Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế – xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đây là những định hướng quan trọng, tạo cơ hội và động lực cho khởi nghiệp Thừa Thiên Huế xứng đáng là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung.

Những bước đi đầu tiên hôm nay về một Cố đô khởi nghiệp dẫu còn nhiều gian nan và đầy thách thức ở phía trước, nhưng với quyết tâm của cộng đồng khởi nghiệp cũng như rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của chính quyền tỉnh, tin rằng Thừa Thiên Huế sẽ là miền đất lành để các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, ý tưởng khoa học – công nghệ khắp các nơi trong cả nước, kể cả nước ngoài hội tụ về đây để triển khai thực hiện ý tưởng và thành công tại mảnh đất Cố đô.

Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế

Trả lời

Leave a comment

RELATED POSTS