VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

THUA THIEN HUE INSTITUTE FOR DEVELOPMENT STUDIES

CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN NGỌC THỌ DỰ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ BÁO CÁO ĐỀ ÁN TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI THỪA THIÊN HUẾ

CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN NGỌC THỌ DỰ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ BÁO CÁO ĐỀ ÁN TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI THỪA THIÊN HUẾ

Th7 22, 2022

Sáng ngày 2/3, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã báo cáo Chính phủ Đề án Cơ chế chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với cách tiếp cận, cách nhìn và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại; ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ (Nghị quyết 54) với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa; tạo nguồn thu ngân sách bền vừng, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Báo cáo Chính phủ Đề án Cơ chế chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiến nghị tập trung vào đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, gồm: Phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị có tính chất đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương; Cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế (các chính sách về tài chính ngân sách, về đầu tư, về phân cấp quản lý và về quy hoạch). Việc có một cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế khác so với quy định của luật hiện hành đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô kinh tế – xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội – văn hóa, mô hình đô thị đối với Thừa Thiên Huế là cần thiết để tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, hoan nghênh nỗ lực của Thừa Thiên Huế và các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp. Đồng thời, tại phiên họp này, cơ bản thông qua các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thành phố Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ. Cho nên việc xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển nhanh và bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế là cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chỉnh phủ, thay mặt chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc Hội dự án Nghị quyết để cho ý kiến và thông qua theo quy định. Thủ tướng cũng giao Bộ Trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chỉnh phủ, thay mặt chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc Hội bổ sung dự án Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế

Trả lời

Leave a comment

RELATED POSTS