VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

THUA THIEN HUE INSTITUTE FOR DEVELOPMENT STUDIES

“Đọc sách mùa Covid – Gắn kết thế hệ – Lan tỏa yêu thương”

“Đọc sách mùa Covid – Gắn kết thế hệ – Lan tỏa yêu thương”

Th7 21, 2022

Cuộc thi viết và nhiếp ảnh “Mở sách, mở tương lai” được phát động từ ngày 01/4 đã thu hút hơn 50 tác phẩm dự thi (gồm thể loại bài viết và ảnh) của các tác giả trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung phong phú và đặc sắc viết về văn hóa đọc sách, giá trị của sách, đặc biệt là hình thành và nâng cao thói quen đọc sách trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc.

Bằng lối ngôn ngữ miêu tả giàu xúc cảm và hình tượng, tác giả Phan Thúy Hoài đã thể hiện bức tranh cuộc sống đầy màu sắc và giản dị về những thế hệ trong một gia đình có niềm đam mê với sách. Tác giả viết: …Suốt tám mươi năm cuộc đời, ông bà đã dành trọn tình yêu cho sách. Từ thời chiến tranh bom đạn đến khi đất nước hòa bình và đến hôm nay – khi cả thế giới đang chiến đấu với “giặc” Covid thì ông bà lại đọc sách nhiều hơn, đọc cho ông, đọc cho bà và đọc cho cả con cháu cùng nghe. Ông bảo với tôi: “Ngày xưa Tổ Quốc gọi thì chúng ta lên đường, nay Tổ Quốc cần thì ta cũng đứng yên, toàn dân chung sức đồng lòng đẩy lùi Covid. Ta cứ ngồi yên trong nhà mà đọc sách, vừa phòng dịch, vừa có kiến thức mà lại vui các cháu nhỉ!”.

Hình ảnh minh họa trong bài viết đạt giải Nhất “Đọc sách mùa Covid – Gắn kết thế hệ – Lan tỏa yêu thương”.

Trong bài viết, Thúy Hoài chia sẻ rằng, suốt gần một tháng cách ly, tôi chẳng thấy chút ngột ngạt nào, trái lại nhờ vậy mà tôi có thêm thời gian ngồi đọc sách cùng ông bà, nghe ông bà hàn huyên những câu chuyện xưa cũ và được đắm mình trong chút vị an yên của làng quê. Chúng tôi – cô sinh viên mười tám, đôi mươi hay ông đã đi quá nửa cuộc đời, rồi những em nhỏ ngây thơ, tưởng như không bao giờ có thể ngồi cùng nhau trò chuyện, thế mà nhờ sách, chúng tôi đã xích lại gần nhau.

Bằng cái nhìn lạc quan trong những ngày phòng dịch, tác giả cảm nhận: “Chiều mùa hạ như không còn nóng, những ngày cách ly cũng không còn ngột ngạt. Chúng tôi xem những ngày cách ly là một cơ hội để được ngồi cùng nhau, được lắng nghe những tâm sự, những câu chuyện mà trước kia tưởng như không thể kể cho nhau nghe. Không chỉ tôi mà bạn cũng thế, hãy nhìn việc cách ly theo cái nhìn lạc quan. Nếu ta vẫn đang chạy theo những hối hả, xô bồ, những lo toan của cuộc sống thì biết đến bao giờ mới có thể ngồi cùng ông bà, cha mẹ hay con cái của mình để đọc sách như thế này. Sách kỳ diệu lắm! Không chỉ cho ta mở mang kiến thức mà còn là sợi dây gắn kết mọi thế hệ, là cách để ta gắn kết gia đình, chia sẻ yêu thương”.

Với Lê Thị Lụa, tác giả bài viết “Sách – người bạn từ thời thơ ấu” đạt giải Nhì tại cuộc thi đã xem những quyển sách như một người bạn. Tác giả cho rằng, ai trong chúng ta cũng có những người bạn đặc biệt gắn bó suốt thời thơ ấu của mình. Với tôi, “Sách” là người bạn đặc biệt, là cái nôi ru tôi lớn lên, góp phần hình thành nên suy nghĩ, tính cách của tôi. Sách là nguồn tri thức quý giá và vô tận, nó mở ra những chân trời mới, giúp ta phát triển khả năng tư duy, cung cấp nhiều kiến thức hay đơn giản là những bài học làm người, cách đối nhân xử thế… Dù với bất cứ lợi ích gì, sách đều giúp con người trưởng thành trong nhận thức, sâu sắc hơn trong tư tưởng và chín chắn hơn trong suy nghĩ.

“Phải làm gì với ước mơ của mình” – tác phẩm đạt giải Nhất ở thể loại Ảnh của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Tâm.

“Ngay từ bé, tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với sách, lúc còn ê a đọc chữ, mỗi tối tôi đều ngồi bên ba dạy đọc từng con chữ. Hôm nào tôi cũng đem ra đọc, hết đọc cho ba, mẹ, rồi cho nội nghe. Cũng nhờ đó, lúc vào lớp một tôi đã thành thạo hết các mặt chữ, và là một trong những đứa tiếp thu nhanh, được cô hết mực cưng chiều… Có một thời, học chính là niềm đam mê, là sở thích của tôi, hầu như lúc nào tôi cũng học và gắn bó với sách, ít khi tôi để phí phạm thời gian của mình. Và đó cũng là lí do giúp tôi gặt hái được nhiều thành quả cao trong các cuộc thi các cấp…”, Lê Thị Lụa chia sẻ.

Bên cạnh những cảm nhận, suy nghĩ về giá trị và ý nghĩa của sách, nhiều tác giả cũng chia sẻ các bài học quý báu trong những cuốn sách mà họ đã được đọc. Trong tựa đề “Hiểu về trái tim” – bài viết đạt giải Ba của tác giả Lê Thị Linh đã ví sách như nguồn tri thức và năng lượng không thể thiếu cho mỗi con người. Cuốn sách “Hiểu về trái tim” đã giúp tác giả học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, đặc biệt nhất đó là sự nhẫn nại và lòng bao dung.

“Hiểu về trái tim” – bài viết đạt giải Ba của tác giả Lê Thị Linh đã ví sách như nguồn tri thức và năng lượng không thể thiếu cho mỗi con người.

Theo Lê Thị Linh, “Hiểu về trái tim” – cuốn sách mà tác giả muốn gửi gắm là bạn hãy dùng trái tim để đọc sách, đừng dùng sách làm tri thức cho bản thân, khi ta cảm nhận được những gì tác giả viết là lúc chúng ta đã rất giàu có vì đã có rất nhiều vốn từ ý nghĩa về tất cả những gì cuốn sách mang lại, trong từng con chữ từng trang sách ấy, tâm huyết của họ bỏ ra không phải để dạy ta phải sống như thế nào hay để ta học hỏi từ những điều tốt có trong cuốn sách đó, khi bạn thật sự biết cảm thông và cảm nhận bạn sẽ mất vài giây chỉ để đọc và suy ngẫm duy nhất một từ, bởi lúc đó không phải bạn đang đọc mà bạn đang cảm nhận và thẩm thấu hết từng con chữ trong sách.

“Mình luôn hy vọng mỗi bạn đọc sách hãy coi sách như một người bạn thân, đừng chỉ dùng sách để thêm kiến thức mà hãy dùng sách để làm một người bạn đồng hành, một người bạn thân, tri kỷ, khi đó ta mới thật sự là một người yêu sách, đọc mà không thấm thì dù có nhồi nhét bao nhiêu cũng sẽ vô nghĩa”, Lê Thị Linh chia sẻ.

Tác giả Nguyễn Thị Phương Quỳnh trong bài viết “Luôn có một con đường tốt lành để trở lại” đã tập trung nói về cuốn sách Người đua diều của nhà văn Khaled Hosseini. Theo tác giả, cuốn sách này hay vô cùng nhưng cũng buồn vô tận. Dù nó có một kết thúc mở đầy hy vọng và bao dung khiến bao người đọc thở phào nhẹ nhõm nhưng bằng một phương cách hữu hình nào đó vẫn mang lại cảm giác ám ảnh tận sâu tâm hồn những ai đã chạm lấy nó.

Trang bìa cuốn sách Người đua diều của nhà văn Khaled Hosseini trong bài viết  “Luôn có một con đường tốt lành để trở lại” của tác giả Nguyễn Thị Phương Quỳnh

Trong bài viết, Phương Quỳnh cảm nhận, đất nước Afghanistan những năm 1970 hiện lên trong những trang sách là một đất nước bất ổn về chính trị và chiến tranh. Cuộc sống ở đây diễn ra một cách tàn khốc bởi sự tàn sát đẫm máu đến những người dân vô tội của những phần tử Taliban, sự kì thị chủng tộc người Hazaras. Nhưng bên cạnh màu đen u tối của bầu trời Afghanistan bởi bom rơi đạn lạc, màu đỏ của máu người dân thì Khaled Hosseini đã tô vẽ lên màu hồng trong tác phẩm của mình thông qua những tháng ngày trong xanh và tươi đẹp của 2 cậu bé Amir và Hassan…

“Đọc và hiểu về cuộc sống của một đất nước xa xôi để rồi nhìn lại quê hương Việt Nam mình. Khung cảnh nửa đêm là tiếng xe cộ đông vui quanh phố xá thay vì tiếng đạn rơi, ngoài đường ngẩng đầu lên là những ánh đèn điện thay vì những quả rocket hay pháo sáng bay, mùi mà mình đang hít là mùi thơm của tinh dầu, nước hoa thay vì mùi thuốc súng và xác chết. Trong lúc cả thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 với con số tử vong khổng lồ thì đất nước chúng ta đang ôm trọn nhân dân vào lòng với chủ trương: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nghĩ đến đó, trong lòng không còn gì ngoài sự biết ơn và xót xa…”, tác giả Phương Quỳnh viết.

Với tác giả Võ Thị Thúy Hà, bài viết “Sách và Ánh sáng” đề cập đến vấn đề nữ quyền cũng đạt được giải Khuyến khích. Tác giả viết: “Tôi nhìn thấy các cuốn sách, chúng được những người phụ nữ đặt trên tay. Đây là hình ảnh quyến rũ và đầy hy vọng của thế kỉ XXI – thế kỉ mà nữ giới và nam giới cùng nhau chia sẻ trí tuệ để xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp nhất. Sách là ánh sáng. Phụ nữ đọc sách để được soi sáng, họ mang theo trong đời những quyển sách như tự do gắn vào mình chiếc la bàn định hướng giữa không gian. Nhưng lí thuyết nào mạnh mẽ cho rằng, sách là ánh sáng để mở lối cho những người phụ nữ của chúng ta?… Với sự tự chủ về thân thể và ý chí, phụ nữ có quyền được chọn lựa cho mình cách thức tiếp cận vốn tri thức của văn minh nhân loại. Tôi cũng hoàn toàn tin rằng, sách là chất liệu tinh túy để những người phụ nữ độc lập có thể tự do nhào nặn cuộc đời mình”.

Hình ảnh minh họa bài viết “Sách và Ánh sáng” của tác giả Võ Thị Thúy Hà.

Dẫn chứng cho những quyền lợi của nữ giới, Thúy Hà tái hiện câu chuyện của nhiều nhân vật nổi tiếng, kể đến là bà Emma Watson – diễn viên nổi tiếng người Anh, cũng là một đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc để khởi động chiến dịch “Phụ nữ Liên Hiệp Quốc HeForShe”, hướng tới việc bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; bà Tara Westover – Nhà Sử học người Mỹ với cuốn hồi ký mà Tổng thống Barack Obama yêu thích “Educated” – Được học; hay bà Oprah Winfrey – người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỷ phú và được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tất cả họ đều là những người luôn đấu tranh vì nữ quyền với những hoạt động liên quan đến sách để khẳng định vai trò và giá trị của người phụ nữ trên thế giới.

Ngoài những bài viết chia sẻ về giá trị và cảm nhận câu chuyện cuộc sống từ sách, nhiều tác giả cũng có những chia sẻ các phương pháp để nâng cao văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Trong bài viết “Chuyến xe tri thức”, tác giả Nguyễn Nhật Công Minh đã có ý tưởng khá ấn tượng khi đề xuất cải tạo, nâng cấp xe xích lô thành thư viện di động mini.

Ý tưởng “Chuyến xe tri thức” cải tạo xe xích lô thành thư viện di động mini của tác giả Nguyễn Nhật Công Minh.

Theo Công Minh, tạo ra mô hình thư viện sách mở trên những chiếc xe xích lô, đặt trên những công viên, không gian công cộng sẽ góp phần quảng bá văn hóa Huế, thúc đẩy phong trào đọc sách đến với cộng đồng. Mô hình thư viện sách mini trên những chiếc xe xích lô thân thương và gần gũi, kết hợp với các tủ sách tạo thành thư viện di động mini đi khắp mọi nơi hoặc có thể đặt cố định ở các công viên, nơi công cộng… vừa mang đến tri thức, vừa mang đến một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, nơi đó có xe xích lô, sách và con người như hòa quyện vào không gian xứ Huế, mang tri thức đến với mọi người.

Đối với tác giả Trần Văn Toản, giáo viên Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế trong bài viết “Để học sinh không quay lưng với thư viện trong trường học” đã có những trăn trở và chia sẻ giải pháp về văn hóa đọc sách. Theo tác giả, văn hóa đọc xem ra là vấn đề cần đem ra bàn luận. Nói giới trẻ bây giờ ít đọc sách chưa hẳn là đúng nhưng nói rằng giới trẻ hiện nay chạy theo đủ mọi sách tầm tầm – thậm chí vô bổ không hẳn là sai. Học sinh hiện nay rất thờ ơ với việc đọc các loại sách quý. Chạy theo học thêm nơi này, môn khác rồi nghiện game, facebook… nên thời gian dành cho việc đọc sách không có. Nhiều thầy cô dạy Văn phàn nàn về tình trạng học sinh không chịu khó đọc tác phẩm trước khi đến lớp. Các em quan tâm những bài văn mẫu, những sách giúp em học tốt, sách giải, truy cập Google hơn là việc tìm đọc các sách, các tài liệu nghiên cứu để nâng cao, mở rộng kiến thức.

“Đến thư viện các trường học, những quyển sách, những tác phẩm văn học kinh điển của nhân loại hay những loại sách bàn luận về triết lý sống, đạo đức xã hội học vẫn nằm yên một chỗ trên giá, bụi càng bám dày thêm. Điều đó cho thấy thị hiếu đọc sách của giới trẻ bây giờ khác thật nhiều so với trước đây… Có lý do vô cùng quan trọng là việc giới thiệu sách của thư viện hiện nay chưa thường xuyên nếu không muốn nói là hầu như vắng bóng ở một số trường. Lâu nay, một số thư viện trường chưa chú trọng đến việc này, các hình thức giới thiệu sách phổ biến hiện nay ở trong trường học là: trước phòng đọc thư viện để một tấm bảng và viết tên các loại sách mới lên đó, học sinh đọc và tìm đến mượn; một số trường học ở thành phố có cơ sở vật chất khá thì nhập tên các loại sách vào máy tính và bạn đọc đến đó chỉ cần đánh tên sách vào bàn phím để tìm; học sinh hay giáo viên tự đến tìm mục lục như danh bạ trong từng chiếc hộp gỗ hoặc trực tiếp hỏi cán bộ thư viện để biết loại sách mà mình đang cần”, Trần Văn Toản nhận định.

Tác giả cũng cho rằng, những hình thức trên đây dù ít, dù nhiều đều có tác dụng nhất định trong việc cung cấp thông tin về các loại sách đến bạn đọc. Tất nhiên, chỉ dừng lại những hình thức như vậy thì thật đơn điệu nếu không muốn nói là nhàm chán, chưa thực sự kích thích, thu hút bạn đọc đến với thư viện trong hàng ngày, hàng tuần. Giới thiệu sách như thế nào cho hấp dẫn, thu hút để sau mỗi lần giới thiệu bạn đọc lại không thể không tìm đến sách. Điều đó đặt ra cho mỗi cán bộ thư viện phải năng động, sáng tạo, tìm tòi những hình thức giới thiệu sách hay, có chất lượng.

Ông Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cho biết, trải qua một tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã đón nhận được sự hưởng ứng tham gia của người dân trên địa bàn tỉnh với nhiều tác phẩm chất lượng cũng như sự đồng hành và hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, cá nhân đối với cuộc thi. Qua đó, đã lan tỏa được tinh thần và văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Đặc biệt là đồng hành cùng cả nước chống dịch Covid-19 thông qua việc khuyến khích hoạt động cá nhân, giúp nâng cao năng lực bản thân thông qua thói quen đọc sách, tự cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức… góp phần nâng cao thói quen đọc sách, một nét văn hóa đẹp xứng đáng được gìn giữ.

Đăng Vinh

Trả lời

Leave a comment

RELATED POSTS