VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

THUA THIEN HUE INSTITUTE FOR DEVELOPMENT STUDIES

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Th7 21, 2022

Sáng ngày 22/5/2020, tại Hà Nội, Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về định hướng phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hồ Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN; Giám đốc Đại học Huế; Viện Công nghệ sinh học cùng các sở, ban, ngành của tỉnh. Làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục có liên quan.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và một số nhiệm vụ lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Hồ Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã báo cáo một số nội dung, lĩnh vực hoạt động của ngành KH&CN trong 5 năm qua và định hướng phát triển KH&CN của tỉnh trong thời gian tới, qua đó đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, cần được hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Bộ KH&CN và các đơn vị trực thuộc Bộ.

Hoạt động KH&CN đạt được nhiều kết quả

Theo báo cáo, thời gian qua, hoạt động KH&CN của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung bám sát các hệ thống các văn bản Luật, các Nghị định của Chính phủ liên quan đến ngành KH&CN, như Luật KH&CN, Luật chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm hang hóa, Luật năng lượng nguyên tử, Luật công nghệ cao… Bên cạnh đó tỉnh cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó xác định rõ quan điểm phát triển, mục tiêu định hướng của tỉnh đối với lĩnh vực KH&CN tỉnh nhà và các giải pháp để thực hiện. Đồng thời đã tổ chức triển khai các chương trình đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch lớn của Bộ KH&CN.

Cũng trong giai đoạn này, hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và tiềm lực KH&CN tiếp tục phát triển, hạ tầng, thiết chế về KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn, phát triển theo hướng hiện đại với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhất là hệ thống các trường, đơn vị thuộc Đại học Huế; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành Trung ương đã được thành lập trên địa bàn tỉnh như Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung, Trung tâm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật… Các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn đã đi vào nề nếp, mang tính chuyên nghiệp và có hiệu quả. Hoạt động quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn đo lường chất lượng… đã thu được nhiều kết quả. Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được phổ biến kịp thời để nhân dân áp dụng, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã tích cực hơn tham gia hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu – triển khai, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo đo lường, chất lượng, tiếp cận thông tin sáng chế, phát triển tài sản trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần giúp một số doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn những năm gần đây đã được triển khai toàn diện và hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, trong đó hoạt động bảo hộ, sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có được sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, tạo cú hích lớn giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp mạnh dạn đề xuất, xây dựng các dự án, hoạt động khởi nghiệp thông qua các chương trình, diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Kết quả các cuộc thi vùng và khu vực đều đạt giải cao và có khả năng tham gia vào thị trường. Hạ tầng và thiết chế KH&CN ngày càng hoàn chỉnh với các trường đại học, cao đẳng; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành. Từng bước hình thành khu công nghệ thông tin tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương; thành lập Khu công nghiệp công nghệ cao tại Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô. Toàn tỉnh có 27 tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực tư vấn dịch vụ nghiên cứu KH&CN. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển về số lượng, chất lượng… Những kết quả trên các mặt nói trên đã từng bước khẳng định ngành KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế và hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm KH&CN của khu vực và cả nước.

Tại buổi làm việc

Xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm KH&CN lớn của cả nước

Trong thời gian tới, mục tiêu chung trong giai đoạn 2020-2025 là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội; Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm KH&CN không thể tách rời trung tâm GD&ĐT và Y tế chuyên sâu và các tổ chức KH&CN; phát triển tiềm lực KH&CN phải gắn với phát triển tiềm lực của Đại học Huế và Bệnh viện Trung ương Huế; Phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường, phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp; Phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường KH&CN, đẩy mạnh các dự án xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sáng chế/giải pháp hữu ích để phát triển các đặc sản Huế, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tập trung đầu tư vào KH&CN hỗ trợ các ý tưởng đổi mới, sáng tạo, sáng chế thông qua các dự án KH&CN; phấn đấu đến năm 2025, chỉ số đóng góp của chỉ tiêu năng suất các nhân tổ tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 35%; Thông qua hoạt động quản lý nhà nước, nhà nước tạo ra nền tảng, cơ chế cho việc ứng dụng KH&CN, doanh nghiệp và tổ chức KH&CN đóng vai trò chủ đạo và quyết định trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được thực hiện trong thời gian tới, đó là tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao phát triển công nghệ, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung… hướng đến một nền công nghệ cao, công nghiệp sạch, kinh tế tri thức. Tập trung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện đề án Cố đô Khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thị trường. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực KH&CN và đào tạo vào nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng, trình độ lao động trong việc hấp thụ công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức. Ưu tiên hỗ trợ các dự án KH&CN cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin – gắn với chương trình xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong y dược thực hiện đề án phát triển dược liệu, phát triển sản phẩm chủ lực, các sản phẩm mang thương hiệu Huế. Hỗ trợ Đại học Huế thành đại học định hướng nghiên cứu khoa học, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh trên các lĩnh vực; hỗ trợ ứng dụng KH&CN tại Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Y dược Huế và các bệnh viện chuyên khoa trở thành trung tâm y học hiện đại, gắn dịch vụ y tế với dịch vụ du lịch khám chữa bệnh và là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hỗ trợ đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN xây dựng Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế trở thành Trung tâm công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung là một thiết chế, tiềm lực KH&CN quan trọng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp hóa dược..

Hỗ trợ thành lập Khu công nghệ cao Quốc gia tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Thời gian tới, để hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính Trị, phấn đấu sớm đưa tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương và là một trong những Trung tâm KH&CN lớn của cả nước, tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những đề xuất, kiến nghị với Bộ KH&CN, trong đó đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những Trung tâm KH&CN lớn của cả nước thông qua các chủ trương, định hướng, triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược như phát triển tiềm lực KH&CN, hình thành các thiết chế KH&CN trọng điểm và thực hiện các chương trình phát triển ứng dụng tiến bộ KH&CN của tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ KH&CN cho ý kiến để hoàn thiện và tập trung nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh triển khai có hiệu quả. Bộ KH&CN quan tâm thống nhất chủ trương, hỗ trợ tỉnh sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu công nghệ cao Quốc gia tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở đó tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế sau khi được duyệt. Bộ KH&CN hỗ trợ cho tỉnh xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tạo đột phá trong hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thuận và ủng hộ Đề án xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế; hỗ trợ các dự án nâng cao năng lực cho các phòng thí nghiệm để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cấp nhà nước của Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, nhằm sớm đưa Viện trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với đề xuất hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ quan tâm, hỗ trợ để phía tỉnh thực hiện các dự án Nông thôn miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Về đề xuất hợp tác giữa tỉnh và Bộ KH&CN, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn và đề nghị Bộ KH&CN thống nhất chủ trương và giao cho các Vụ của Bộ phối hợp Sở KH&CN để chuẩn bị nội dung, chương trình tổ chức ký kết biên bản hợp tác cũng như tham gia góp ý cho định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện việc tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế như: Dầu tràm Huế, Thanh trà Huế, Sen Huế, Ruốc Huế, Huế – Kinh đô ẩm thực, Huế – kinh đô áo dài, Tam Giang – Thượng phẩm hải sản đầm phá, Hương xưa làng cổ Phước tích… đề nghị Bộ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ quan tâm hỗ trợ chuyên môn và tiến hành thẩm định sớm bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả về KH&CN mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua, đồng thời đồng tình cao với định hướng phát triển KH&CN trong thời gian tới. Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị Vụ Công nghệ cao, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Thông tin KH&CN quốc gia và các Vụ, Cục liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp giúp Thừa Thiên Huế thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

nguồn: www.thuathienhue.gov.vn

Trả lời

Leave a comment

RELATED POSTS