VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

THUA THIEN HUE INSTITUTE FOR DEVELOPMENT STUDIES

Xây dựng và đổi mới ngành giáo dục – đào tạo thành phố Huế: tạo nét riêng mang bản sắc văn hóa Huế

Xây dựng và đổi mới ngành giáo dục – đào tạo thành phố Huế: tạo nét riêng mang bản sắc văn hóa Huế

Th7 22, 2022

Sáng ngày 17/3/2022, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND thành phố Huế tổ chức Hội thảo “Xây dựng Đề án phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” – Đề án nhằm góp phần xây dựng ngành giáo dục – đào tạo (GD&DT) thành phố Huế đáp ứng yêu cầu đổi mới của xã hội, vừa tạo nên nét riêng của ngành mang bản sắc văn hóa Huế.

Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Võ Lê Nhật – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Trần Song – UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế; ông Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các phòng ban, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các thầy cô giáo trên địa bàn thành phố.

Ông Võ Lê Nhật – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế phát biểu tại hội thảo

Để hướng tới mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng; trong đó Giáo dục và Đào tạo là nền tảng”; “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao thì chúng ta xác định giáo dục và đào tạo của thành phố phải thực sự đổi mới, phát triển xứng tầm với vị trí, vai trò “đầu tàu”, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng nhân dân. Lãnh đạo Thành phố luôn trăn trở, tìm giải pháp phấn đấu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ thành phố Huế; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật nhấn mạnh: “Nhìn lại sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/3/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Thành phố Huế nói riêng đã có những bước phát triển, đạt được những kết quả đáng trân trọng. Cụ thể, quy mô mạng lưới trường lớp từng bước hoàn thiện, hoàn chỉnh, hiện đại khá đồng bộ; chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học ngày càng phát triển, chất lượng về nguồn nhân lực được đào tạo trình độ chuẩn ngày càng nâng cao. Truyền thống giáo dục của vùng đất văn hiến và hiếu học tiếp tục được phát huy, tỷ lệ học sinh giỏi cấp Thành phố, cấp Tỉnh, Quốc gia ngày càng cao; Đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa và chất lượng tay nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp không ngừng nâng cao”.

“Nhiều nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra và thảo luận tại Hội thảo như: Tiếp tục rà soát, sắp xếp hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, cơ sở giáo dục và đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và Quốc tế cũng như xã hội hoá giáo dục nhằm phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao… Với quy mô mở rộng của Thành phố như hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Huế cần được nâng lên một tầm cao hơn và có cách quản lý mới để tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Thông qua hội thảo này nhằm thống nhất đề cương Đề án làm tiền đề để xây dựng kế hoạch với những giải pháp cụ thể để phát huy những ưu điểm hiện có, khắc phục một số tồn tại nhằm tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo của Thành phố. Muốn thực hiện nhiệm vụ này, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng quyết tâm, góp sức của nhân dân là rất quan trọng. Chúng ta phấn đấu đến năm 2030, “bức tranh” Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế sẽ đẹp hơn và là niềm tự hào mỗi lần chúng ta nhìn lại” – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật khẳng định.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn đề cương đề án, nhiều tham luận như: Các giải pháp nâng cao chất lượng học sinh và thúc đẩy văn hóa Huế vào giáo dục; Chuyển đổi số trong giáo dục, chiến lược quan trọng trong phát triển giáo dục – đào tạo hiện nay; Công tác quản lý nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tiểu học; Giáo dục truyền thống, đạo đức và giáo dục địa phương – sự cần thiết trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay…

Thông qua hội thảo này, UBND thành phố Huế, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan sẽ thống nhất đề cương Đề án làm tiền đề để xây dựng kế hoạch với những giải pháp cụ thể để phát huy những ưu điểm hiện có, khắc phục một số tồn tại, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo của Thành phố, hướng đến một thành phố Huế xứng tầm là “đầu tàu”, “hạt nhân” về giáo dục – đào tạo của Tỉnh. Hội thảo cũng là diễn đàn để các chuyên gia giáo dục đến từ các tổ chức giáo dục, các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm trong nước, cán bộ quản lý, giáo viên của các trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non trên địa bàn thành phố Huế trao đổi, chia sẻ, thảo luận những nội dung, giải pháp định hướng sự phát triển của giáo dục và đào tạo thành phố Huế trong thời gian đến.

Trả lời

Leave a comment

RELATED POSTS